Rabeprazol

Đăng bởi Hỏi Thuốc
1 lượt xem

Rabeprazol thuộc nhóm thuốc kháng tiết axit, ngăn chặn sự tiết axit dạ dày bằng cách ức chế men H+/K+ ATPase tại bề mặt tiết của tế bào thành dạ dày. Hoạt chất này được sản xuất thành thuốc với hàm lượng thường thấy là 10mg, 20mg.

Một số biệt dược chứa hoạt chất này trên thị trường là Rapeed 20, Acilesol 10mg/ 20mg, Rabeprazol 10, Rapodar-20, Rabicad 20… Dạng bào chế thường thấy là viên bao phim tan trong ruột.

1. Tác dụng

1.1. Tác dụng của thuốc rabeprazol là gì?

Rabeprazol được sử dụng để điều trị các vấn đề nhất định ở dạ dày và thực quản (như trào ngược axit, viêm loét). Thuốc hoạt động bằng cách làm giảm lượng axit trong dạ dày. Thuốc làm giảm các triệu chứng như ợ nóng, khó nuốt và ho kéo dài. Thuốc này giúp chữa lành tổn thương do axit trong dạ dày và thực quản, giúp ngăn ngừa viêm loét và ngăn ngừa ung thư thực quản.

Các chỉ định của thuốc bao gồm:

  • Loét tá tràng hoạt động
  • Loét dạ dày lành tính hoạt động
  • Trào ngược dạ dày thực quản do loét hoặc bào mòn
  • Điều trị duy trì dài hạn bệnh trào ngược dạ dày thực quản
  • Điều trị triệu chứng bệnh trào ngược dạ dày thực quản mức độ trung bình đến nặng
  • Hội chứng Zollinger-Ellison
  • Kết hợp với phác đồ điều trị kháng sinh phù hợp để diệt Helicobacter pylori ở bệnh nhân loét tiêu hóa

Một số tác dụng khác của thuốc không được liệt kê trên nhãn thuốc đã được phê duyệt nhưng bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng. Bạn chỉ sử dụng thuốc này để điều trị một số bệnh lí khi có chỉ định của bác sĩ.

2. Liều dùng

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

1

2.1. Liều dùng thuốc rabeprazol cho người lớn là gì?

Liều dùng thông thường cho người lớn mắc bệnh loét tá tràng

20 mg uống mỗi ngày một lần, sau bữa ăn sáng. Thời gian thông thường cho việc điều trị là bốn tuần ở hầu hết các bệnh nhân, tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể phải điều trị bổ sung để lành vết loét.

Liều dùng thông thường cho người lớn mắc bệnh bào mòn thực quản

20 mg uống mỗi ngày một lần, sau bữa ăn sáng. Nên điều trị liên tục trong 4-8 tuần.

Liều dùng thông thường cho người lớn mắc bệnh loét dạ dày

20 mg uống mỗi ngày một lần, sau bữa ăn sáng. Nên điều trị liên tục trong 4-8 tuần.

Điều trị duy trì dài hạn bệnh trào ngược dạ dày thực quản:

Liều duy trì 10mg hoặc 20mg/ lần mỗi ngày tùy theo đáp ứng của bệnh nhân.

Điều trị triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản mức độ trung bình đến rất nặng:

  • 10mg/ lần mỗi ngày đối với bệnh nhân không bị viêm thực quản. Nếu không kiểm soát được triệu chứng trong 4 tuần cần kiểm tra kỹ hơn.
  • Khi hết triệu chứng, có thể tiếp tục dùng liều 10mg/ lần mỗi ngày để kiểm soát triệu chứng.

Liều dùng thông thường cho người lớn mắc hội chứng Zollinger-Ellison:

  • 60 mg uống mỗi ngày một lần, sau bữa ăn sáng.
  • Liều dùng có thể tăng đến 120mg/ ngày tùy theo nhu cầu của bệnh nhân. Liều dùng một lần có thể lên đến 100mg/ ngày.
  • Liều 120mg/ ngày nên chia thành 2 lần uống, 60mg x 2 lần mỗi ngày. Thời gian điều trị theo chỉ định lâm sàng.

Liều dùng thông thường cho người lớn mắc bệnh nhiễm Helicobacter pylori

  • Phác đồ 3 thuốc: Rabeprazol 20 mg, amoxicillin 1000 mg, và clarithromycin 500 mg, uống 2 lần mỗi ngày chung với bữa ăn sáng và tối trong 7 ngày.
  • Với những chỉ định yêu cầu dùng 1 lần/ ngày nên uống rabeprazol vào buổi sáng trước khi ăn.

2.2. Liều dùng thuốc rabeprazol cho trẻ em là gì?

Không khuyến cáo sử dụng thuốc này cho trẻ em vì thiếu dữ liệu về hiệu lực và độ an toàn.

3. Cách dùng

3.1. Bạn nên dùng thuốc rabeprazol như thế nào?

Bạn nên uống nguyên viên thuốc, không nghiền, bẻ hay làm vỡ viên thuốc. Sử dụng thuốc đúng liều và đủ thời gian theo chỉ định. Bạn không nên tự ý ngưng dùng hay kéo dài thời gian dùng thuốc mà không hỏi ý kiến bác sĩ.

3.2. Bạn nên làm gì trong trường hợp khẩn cấp hoặc dùng quá liều?

Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất.

3.3. Bạn nên làm gì nếu quên một liều?

Nếu bạn quên dùng một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.

4. Tác dụng phụ

4.1. Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng thuốc rabeprazol?

2

Các tác dụng phụ được báo cáo phổ biến nhất trong các thử nghiệm thuốc là:

  • Nhức đầu
  • Tiêu chảy
  • Đau bụng
  • Mệt mỏi
  • Đầy hơi
  • Phát ban
  • Khô miệng

Một số tác dụng phụ khác có thể xảy ra là:

  • Triệu chứng giống cúm
  • Mất ngủ
  • Nhiễm trùng
  • Căng thẳng, buồn ngủ
  • Đau cơ, đau khớp, chuột rút ở chân
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Đau ngực, ớn lạnh, sốt
  • Tăng men gan

Không phải ai cũng biểu hiện các tác dụng phụ như trên. Có thể có các tác dụng phụ khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.

5. Thận trọng/ Cảnh báo

5.1. Trước khi dùng thuốc rabeprazol bạn nên biết những gì?

Để sử dụng rabeprazol được hiệu quả, bạn cần lưu ý những vấn đề sau:

Dị ứng

Hãy cho bác sĩ của bạn nếu bạn đã từng có bất kỳ phản ứng bất thường hoặc dị ứng với thuốc này hoặc bất kỳ loại thuốc khác. Nói với bác sĩ nếu bạn có bất kỳ loại dị ứng nào, chẳng hạn như dị ứng với thực phẩm, thuốc nhuộm, chất bảo quản, hoặc động vật. Đối với sản phẩm thuốc không kê toa, đọc nhãn thuốc hoặc thành phần một cách cẩn thận.

Bệnh nhi

Chưa có nghiên cứu thích hợp về mối quan hệ giữa tuổi với tác động của rabeprazol cho việc điều trị GERD ở trẻ em dưới 1 tuổi. Sự an toàn và hiệu quả chưa được kiểm chứng.

Người cao tuổi

Nhiều loại thuốc chưa được nghiên cứu đặc biệt ở người lớn tuổi. Vì vậy, thuốc có thể không đảm bảo hiệu quả giống như hiệu quả của thuốc ở người trưởng thành.

5.2. Những điều cần lưu ý nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú

Thuốc chống chỉ định trong thời kỳ mang thai. Hoạt chất này cũng có thể bài tiết qua sữa mẹ nên không dùng thuốc trong khi cho con bú.

6. Tương tác thuốc

6.1. Rabeprazol có thể tương tác với thuốc nào?

3

Tương tác thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Tài liệu này không bao gồm đầy đủ các tương tác thuốc có thể xảy ra. Hãy viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn xem. Không được tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.

Một số thuốc gây ra tương tác khi dùng chung với rabeprazol là:

  • Ketoconazol, itraconazol
  • Atazanavir

6.2. Thức ăn và rượu bia có tương tác tới thuốc rabeprazol không?

Những loại thuốc nhất định không được dùng trong bữa ăn hoặc cùng lúc với những loại thức ăn nhất định vì có thể xảy ra tương tác. Rượu và thuốc lá cũng có thể tương tác với vài loại thuốc nhất định. Hãy tham khảo ý kiến chuyên gia sức khỏe của bạn về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá.

6.3. Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến thuốc này?

Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào, đặc biệt:

  • Bệnh lý ác tính ở dạ dày hoặc thực quản
  • Rối loạn tạo máu
  • Suy gan

7. Bảo quản

7.1. Bạn nên bảo quản thuốc rabeprazol như thế nào?

Bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát, nhiệt độ dưới 30oC, tránh ẩm. Để thuốc tránh xa tầm tay của trẻ em.

Tham khảo thêm